Carlsen thí quân nhưng không thể thắng Nepomniachtchi

Vua cờ Magnus Carlsen đổi xe lấy mã và thế chủ động, nhưng Ian Nepomniachtchi vẫn cầm hòa ở ván hai, chung kết cờ vua thế giới hôm 27/11.

Cờ vua có một quy luật bất thành văn, đó là nếu đặt được mã trắng tới hàng sáu, nó sẽ có giá trị như một quân xe. Điều kiện là không có tốt hay quân nhẹ nào đuổi được mã trắng, và quân mã đó ở gần khu vực nguy hiểm. Khi đó, nó được gọi là “mã bạch tuộc”, vì khi đó nó có thể kiểm soát tám ô cờ, trong đó có nhiều ô trọng yếu, giống như bạch tuộc tám chân.

Quân mã bạch tuộc của Carlsen, ở thế cờ sau nước 22.Rxc1.

Quân mã “bạch tuộc” của Carlsen, ở thế cờ sau nước 22.Rxc1.

Carlsen cầm quân trắng, làm đúng theo chiến thuật này, khi thí chất để đưa mã xuống d6, với sự bảo vệ của tốt e5. Sau khi Trắng mất chất, có thời điểm máy tính đánh giá Đen có ưu thế lớn. Nhưng, Nepomniachtchi phải tìm ra rất nhiều nước đi khó mới có thể tận dụng được ưu thế này.

Như ván đầu tiên, Nepomniachtchi lại phải phòng thủ bị động ở phần lớn thời điểm trung cuộc. Các quân nặng của Đen đều bị hạn chế không gian di chuyển bởi mã trắng. Còn hậu và xe trắng linh hoạt hơn, và tìm cách tấn công thành cũng như các tốt yếu.

Sau 23 nước cờ, Carlsen chỉ còn trung bình hai phút cho mỗi nước đi, trước khi thời gian được cộng thêm ở nước 41. Anh cố gắng tận dụng thế chủ động nhưng không quá mạo hiểm khi thời gian sắp cạn. Cuối cùng Carlsen chọn nước 37.Qg4, rồi anh vò đầu bứt tai. Anh hiểu rằng nước này giúp cho Nepomniachtchi đổi xe lấy mã trắng và thoát khỏi áp lực. Qg4 thực tế được siêu máy đề xuất, nhưng Carlsen đã có thể duy trì sức ép với vài lựa chọn khác

Sau trao đổi, quân số hai bên cân bằng, nhưng Carlsen không còn giữ được áp lực. Hai bên lại bắt tay hòa sau 58 nước cờ. Đây là ván đấu thứ 16 liên tiếp ở trận chung kết cờ vua thế giới diễn ra với kết quả hòa.

Carlsen liên tục lắc đầu vì không tìm ra cách tận dụng áp lực. Ảnh: FIDE

Carlsen liên tục lắc đầu vì không tìm ra cách tận dụng áp lực. Ảnh: FIDE

Hai kỳ thủ tỏ ra mệt mỏi ở tàn cuộc cũng như họp báo sau trận. “Tôi không nghĩ rằng mình có cơ hội thắng quá cao với thế cờ hôm nay”, Carlsen nói. “Tôi không cảm thấy thế cờ mình khá hơn chút nào. Khi đi hậu g4, tôi nghĩ rằng mình không thể cải thiện được thế trận. Nếu đây là ván đấu buộc phải thắng, tôi đã lựa chọn cách chơi khác”.

Còn Nepomniachtchi thừa nhận sức mạnh của quân mã, khi nói: “Mã trắng đúng là có giá trị như xe. Ván đấu hôm nay rất phức tạp, hỗn loạn nhưng thú vị. Tôi chỉ cố gắng tận hưởng niềm vui đánh cờ”.

Trận tranh ngôi Vua cờ thế giới dự kiến diễn ra năm 2020, nhưng vì Covid-19 nên hoãn sang năm 2021 tại Dubai, UAE. Kể từ 26/11, Carlsen và Nepo sẽ chơi 14 ván cờ tiêu chuẩn, với 120 phút cho 40 nước đi đầu tiên, thêm 60 phút cho 20 nước tiếp theo, và thêm 15 phút cho phần còn lại của ván đấu. Kể từ nước 61, mỗi kỳ thủ sẽ có 30 giây cộng thêm sau mỗi nước đi.

Kỳ thủ nào giành 7,5 điểm trở lên sẽ thắng cuộc. Nếu họ hoà 7-7 sau 14 ván, ngôi Vua cờ sẽ phân định bằng loạt đấu tie-break cờ nhanh và chớp. Trận đấu diễn ra từ 26/11 đến 14/12, còn loạt tie-break và lễ bế mạc ngày 15/12. Sau khoảng hai đến ba ván, các kỳ thủ lại được nghỉ một ngày.

Quỹ thưởng của trận đấu là 2 triệu euro (khoảng 2,26 triệu USD), chia 60% cho người thắng và 40% cho người thua.

*Ván 3: Nepomniachtchi – Carlsen, 19h30 chủ nhật 28/11, giờ Hà Nội

Xuân Bình



THAM KHẢO THÊM CÁC THÔN TIN TẠI: https://kenhthethao.top/

Bài viết Carlsen thí quân nhưng không thể thắng Nepomniachtchi đã xuất hiện đầu tiên vào ngày KENHTHETHAO.TOP.



from KENHTHETHAO.TOP https://kenhthethao.top/carlsen-thi-quan-nhung-khong-the-thang-nepomniachtchi/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vì sao không nên chơi cờ chớp với những người mới bắt đầu ~ Hội Cờ Vua – Học Cờ Vua

Dương Hương Nhiên và những bức tranh độc đáo trên lá bồ đề

Ông lớn Trung Quốc lập kỷ lục ‘nhục nhã’ tại AFC Champions League